nayphimsex

ẢNH HƯỞNG CỦA THỜI VỤ TỚI NĂNG SUẤT VÀ KHẢ NĂNG NHÂN GIỐNG CỦA GIỐNG SẮN KM7 TẠI TỈNH BÌNH ĐỊNH

google+

linkedin

ẢNH HƯỞNG CỦA THỜI VỤ TỚI NĂNG SUẤT VÀ KHẢ NĂNG NHÂN GIỐNG CỦA GIỐNG SẮN KM7 TẠI TỈNH BÌNH ĐỊNH

ẢNH HƯỞNG CỦA THỜI VỤ TỚI NĂNG SUẤT VÀ KHẢ NĂNG NHÂN GIỐNG CỦA GIỐNG SẮN KM7 TẠI TỈNH BÌNH ĐỊNH

Nguyễn Thanh Phương1, Hồ Sĩ Công1,

Nguyễn Trần Thủy Tiên1,Nguyễn Hòa Hân1

1 Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ

(Đăng trên Tạp chí Khoa học Công nghệ Nông nghiệp ISSN 1859-1558, số 6(103) – 2019, từ trang 40-43)

TÓM TẮT

Nghiên cứu thời vụ nhằm xác định khoảng thời gian trồng sắn KM7 cho năng suất cao, hệ số nhân hom lớn để phục vụ cho việc gieo trồng trong vụ tiếp theo tại tỉnh Bình Định. Thí nghiệm được triển khai trongnăm 2018 với 3 thời vụ trồng giống sắn KM7: Thời vụ 1 (TV1): 15/12/2017; Thời vụ 2 (TV2): 15/1/2018); Thời vụ 3 (TV3): 15/2/2018tại xã Mỹ Hiệp – huyện Phù Mỹ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thời vụ trồng sắn 15/1 thích hợp với địa bàn tỉnh Bình Định, cho năng suất cao, ổn định đạt 32,46 tấn/ha và hệ số nhân hom giống đạt 15 lần.

Từ khóa:Sắn KM7, thời vụ, năng suất, khả năng nhân giống, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có diện tích trồng sắn năm 2018 là 103,312 nghìn ha chiếm gần 20% tổng diện tích sắn trên cả nước, năng suất đạt 19,97 tấn/ha (Cục Trồng trọt, 2018), tại vùng này, cây sắn được nông dân lựa chọn để canh tác bởi chúng dễ trồng, ít công chăm sóc, ít đầu tư vốn ban đầu và vẫn có thể sinh trưởng tốt trên các vùng đất kém dinh dưỡng. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ sắn ở Việt Nam gần đây đã có những bước chuyển biến tích cực với việc hàng loạt các nhà máy sản xuất tinh bột sắn, nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học được thành lập.Ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ sắn được trồng vào đầu năm,tranh thủ xuống giống khi có một vài cơn mưa, năng suất sắn giảm rõ rệt khi trồng muộn.

Lượng mưa, ẩm độ đất và không khí ảnh hưởng rất lớn đến thời vụ trồng sắn tại Đắk Nông (Nguyễn Thanh Phương, 2018).Trong số những giống sắn mới được nghiên cứu và chọn tạo, giống sắn KM7 được lựa chọn để canh tác nhằm phục vụ mục đích chế biến tinh bột, chế biến thức ăn gia súc và sản xuất nhiên liệu sinh học. Trong những nghiên cứu gần đây, giống sắn KM7 cho thấy có nhiều đặc điểm ưu việt về năng suất và chất lượng so với các giống sắn khác mà nông dân đang canh tác. Tuy nhiên trong sản xuất vẫn còn nhiều hộ nông dân quan niệm cây sắn là cây dễ trồng nên ít quan tâm đến thời vụ trồng, không bón phân hoặc bón không đầy đủ và mất cân đối, khiến cho sắn nảy mầm thấp, sinh trưởng phát triển kém, khó tạo củ đạt yêu cầu, năng suất không cao và lượng hom giống nhân cho vụ sau không đảm bảo đủ số lượng đáp ứng nhu cầu gieo trồng cho nông dân. Từ thực tế nêu trên, đã tiến hành thực hiện nghiên cứu “Ảnh hưởng của thời vụ trồng sắn đến năng suất và khả năng nhân giống của giống săn KM7” tại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong năm 2018.

  1. VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Vật liệu nghiên cứu

Thí nghiệm được thực hiện trên giống sắn KM7 do Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ và Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc chọn tạo.

2.2. Phương pháp nghiên cứu

– Các thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên hoàn toàn (RCDB), 3 lần lặp lại, diện tích ô cơ sở 32 m2; Mật độ trồng: 12.500 hom/ha; Nền phân bón cho 1 ha là 90 kg N + 60 kg P2O5 + 90 kg K2O+ 500 kg phân hữu cơ vi sinh (Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia QCVN 01-61:2011/BNNPTNT), 3 công thức thí nghiệm gồm TV1: Thời vụ 1 (15/12/2017); TV2: Thời vụ 2 (15/1/2018); TV3: Thời vụ 3 (15/2/2018); Thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 12.

– Các phương pháp đánh giá và chỉ tiêu theo dõi theo Quy chuẩn Kỹ thuậtQuốc gia QCVN 01-61:2011/BNNPTNT.

– Đánh giá về tình hình sâu bệnh hại theo “Phương pháp điều tra phát hiện sinh vật hại”theo QCVN 01-38:2010/BNNPTNTcủa Bộ Nông nghiệp và PTNT.

– Xử lý số liệu thống kê sinh học bằng phần mềm Statistix 8.2,Excel.

2.3. Thời gian và địa điểmnghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiệntrong thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 10/2018, trên vùng đất cát pha chuyên trồng sắntại xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ – Bình Định.

2.4. Đặc điểm thời tiết nơi tiến hành thí nghiệm

Bảng 1. Diễn biến thời tiết diễn ra trong năm 2018

Tháng/

năm

Nhiệt độ (0C) Lượng mưa (mm) Số giờ nắng/ ngày(giờ/ngày) Độ ẩm
không khí
(%)
Số ngày

mưa

(ngày)

Số ngày râm

(ngày)

Trung bình Max Min
01/2018 23,3 26,0 21,7 57,4 2,4 86 19 1
02/2018 22,1 26,0 19,7 6,8 6,3 83 5 0
03/2018 24,3 28,5 21,9 10,1 6,7 86 7 0
04/2018 26,2 31,2 23,3 11,4 8,3 85 3 0
05/2018 29,0 34,1 26,0 10,0 8,7 79 5 0
06/2018 29,3 33,3 26,7 100,8 5,8 75 7 2
07/2018 30,0 34,4 27,5 14,6 6,4 70 9 0
08/2018 29,4 33,8 26,9 93,3 5,5 72 16 0
09/2018 28,4 33,8 25,3 139,2 7,6 80 18 0
10/2018 26,7 30,3 24,3 335,7 7,1 84 20 0

Nguồn: Trạm Khí tượng Nông nghiệp An Nhơn Bình Định (2018).

Thời tiết vùng Duyên hải Nam Trung bộ trong năm có 2 mùa mưa, nắng khác biệt. Mùa nắng bát đầu từ tháng 1 và kéo dài đến tháng 8. Trong đó thời gian từ giữa tháng 5 đến hết tháng 8 thường có gió Nam nóng nên việc đánh giá khả năng chịu nóng của giống sắn ngay trong những ngày diễn ra gió nam nóng là chính xác nhất.

Theo số liệu của Trạm Khí tượng Nông nghiệp An Nhơn (2018),nhiệt độ trung bình từ tháng 1 đến tháng 4/2018 từ 22,1 – 26,2 0C, lượng mưa và số ngày mưa có sự chênh lệch cao hơn hẳn giữa tháng 1 (57,4 mm với 19 ngày mưa) so với ba tháng còn lại. Độ ẩm không khí ở các tháng này khá cao, dao động từ 83 – 86%. Số giờ nắng/ngày tăng dần từ tháng 1 đến tháng 4. Cho thấy độ ẩm, lượng mưa trong tháng 1/2018 cao hơn tháng 2/2018 rất nhiều, điều này ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ mọc, sinh trưởng phát triển cây sắn (hệ số nhân giống sắn) trong giai đoạn cây non cũng như giai đoạn tạo củ và nuôi củ.

III. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

3.1. Ảnh hưởng của thời vụ trồng đến các giai đoạn sinh trưởng và chiều cao cây của giống sắn KM7

Bảng 2. Ảnh hưởng của thời vụ trồng đến các giai đoạn sinh trưởng và chiều caocây của giống sắn KM7

Thời vụ trồng Số ngày từ trồng đến mọc mầm(ngày) Số ngày từ trồng đến phân cành cấp 1(ngày) Chiều cao

Phâncành(cm)

Số ngày từ trồng đến thu hoạch

(ngày)

Độ thuần

đồng

ruộng

(điểm)

Chiều cao

cây khithuhoạch(cm)

TV1 22 64 22,5 359 1 199,3
TV2 18 58 21,8 399 1 199,8
TV3 18 57 20,7 229 1 190,2

Thời vụ trồng sắn ở vùng DHNTB bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 2 hàng năm, tuy nhiên những vùng đất gò đồi thoát nước tốt hoặc lên luống, trồng thẳng hom trên luống cũng có thể trồng sớm vào trung tuần tháng 12 trở đi. Chính vậy, trong phạm vi xác định thời vụ trồng hợp lý cho giống sắn mới KM7 đã trồng thời vụ (TV) sớm vào 15/12. Kết quả số liệu ở bảng 2 cho thấy:

– Thời gian từ trồng đến mọc: Giữa 3 thời vụ trồng có thời gian mọc sai khác đáng kể, ở TV1 kéo dài đến 20 ngày sau trồng và sớm nhất ở TV3 chỉ có 18 ngày. Trong điều kiện cùng giống, cùng chân đất nhưng trong tháng 12 có đến 25 ngày mưa và giờ nắng bình quân cả tháng 1,8 g/ngày chính đây là yếu tố làm ảnh hưởng đến thời gian mọc của giống. Tương tự ở TV3 (ngày 15/2) giờ nắng tăng đáng kể, rút ngắn thời gian mọc đến 3 ngày.

– Thời gian phân cành cấp 1: Tính từ ngày trồng đến lúc phân cành cấp 1 giữa 3 thời vụ có khoảng dao dộng từ 57 – 64 ngày, khoảng thời gian trên giảm dần theo thời vụ trồng muộn về sau. Ngược lại chiều cao phân cành có độ cao lớn dần ở các thời vụ trồng muộn về sau, điều đó cho thấy ở TV1 trồng sớm khi trời có nhiều ngày mưa và giờ nắng hạn chế đã kéo dài thời gian phân cành và hạn chế sức sinh trưởng nên độ cao phân cành ở mức thấp.

– Thời gian từ trồng đến thu hoạch: Thời gian trồng giữa 3 TV có khoảng cách đáng kể nhưng thu hoạch theo cùng đại trà nên cùng thời điểm thu, chính vậy thời gian từ trồng đến thu hoạch ở 3 thời vụ có khoảng cách đúng bằng khoảng cách trồng nên TV1 có đến 359 ngày và ngắn nhất ở TV3 chỉ có 229 ngày.

 

– Độ thuần đồng ruộng:Nguồn hom giống trong thí nghiệm được tuyển chọn kỹ nên độ thuần cao, đều ở điểm 1.

– Chiều cao cây: Sự sai khác về chiều caocây ngoài 2 yếu tố chính là đặc điểm của giống và chế độ đầu tư thâm canh nhưng trong phạm vi thí nghiệm cùng giống và cùng qui trình chăm sóc chỉ khác nhau về thời gian sinh trưởng hiện diện trên đồng ruộng đã dẫn đến sai khác về độ lớn số đo chiều cao cây nên ở TV2 đạt chiều cao lớn nhất là 199,8 cm và thấp nhất ở TV3 (190,2 cm).

3.2. Ảnh hưởng của thời vụ trồng tới tình hình sâu bệnh hại sắn

Bảng 3. Ảnh hưởng của thời vụ trồng đến mức độ nhiễm sâu, bệnh hại và khả năng chống đổ của giống sắn KM7

Thời vụ trồng Bệnh đốm nâu lá (%) Nhện đỏ (mức độ phổ biến) Khả năng chịu hạn (điểm) Đỗ gẫy thân (%) Đổ rễ (%)
TV1 5,8 + 1 3,0 1,3
TV2 3,0 ++ 1 2,8 2,2
TV3 2,2 ++ 1 1,5 0

Qua quá trình theo dõi, nhận thấy xuyên suốt vụ có 2 đối tượng sâu bệnh hại đáng kể là:

– Bệnh đốm nâu lá (Cercosporidium Henningsii): Bệnh phát sinh và gây hại trong mùa mưa khi giống sắn ở cuối chu kỳ sinh trưởng. Ở 3 thời vụ đều có triệu chứng bệnh gây hại dao động từ 2,2 – 5,8%. Bệnh có biểu hiện nặng dần ở TV1 khi cây sắn có nhiều ngày tuổi hơn nên nặng nhất ở TV1 và ngược lại TV3.

– Nhện đỏ: Nhện đỏ phát sinh và gây hại trong mùa nắng nhất là sau các cao điểm diễn ra gió Nam nóng. Qua theo dõi nhận thấy tần suất xuất hiện nhện đỏ thường xuyên hơn ởTV2 và TV3

– Khả năng chịu hạn: Theo số liệu khí tượng năm 2018 thì giữa các tháng đều có mưa nên mức độ khô hạn không khốc liệt như nhiều năm trước. Tuy nhiên, kết quả khảo nghiệm các năm trước đây giống KM7 được xác định có khả năng chịu hạn tốt, luôn ở điểm 1.

– Đổ gẫy thân: Đánh giá ở cuối vụ sau các đợt gió lớn xác định ở 3 thời vụ trồng đều có triệu chứng cây đổ gãy ở mức độ tốt dưới 5%, trong đó nặng nhất ở TV1 (3,0%) và nhẹ nhất ở TV3 (1,5%). Tương tự đổ rễ cũng đã xác định ở TV1, TV2 có tỉ lệ 1,3% – 2,2%.

Nhìn chung bệnh đốm nâu lá và khả năng đổ ngã có xu thế nhẹ dần theo thời gian trồng về sau nên thời vụ 1 bị ảnh hưởng nặng nhất, kế đến thời vụ 2 và 3. Tuy nhiên riêng đối tượng nhện đỏ ngược lại, tần suất xuất hiện nhiều ở thời vụ 3 nên mức độ thiệt hại nặng hơn.

3.3. Ảnh hưởng của thời vụ trồng tới năng suất củ giống sắn KM7

Bảng4. Ảnh hưởng của thời vụ trồng đến năng suất của giống sắn KM7

Thời vụ trồng Số cây thu hoạch/ha (cây) Số củ/cây (củ) Khối lượng củ tươi/cây (kg) Năng suất củ tươi (tấn/ha)
TV1 11.437 6,3 3,185 30,28ab
TV2 12.065 6,1 3,200 32,46a
TV3 10.731 6,8 2,920 27,65b
CV (%) 6,81 11,87 5,77*
LSD0,05   0,988 0,835 3,938

Số liệu ở bảng 4 cho thấy:

– Số cây thu hoạch: Tỉ lệ mọc có liên quan đến mật độ cây và thời vụ trồng quyết định đến tỉ lệ mọc, ở thời điểm trồng công thức TV1 còn mưa nhiều, độ ẩm đất khá cao và ngược lại công thức TV3 trồng muộn về sau, trời hết mưa và giờ nắng trong ngày cao nên độ ẩm đất đã xuống thấp, thật sự ảnh hưởng đến tỉ lệ mọc nên số cây lúc thu hoạch đạt cao nhất ở TV2 và thấp nhất ở TV3.

– Số củ/cây: Số củ/cây nhiều hay ít phụ thuộc vào đặc điểm riêng của giống nên chỉ tiêu này ở 3 thời vụ trồng ít dao động, từ 6,1 – 6,8 củ/cây.

– Khối lượng củ tươi/cây:Giữa 3 thời vụ trồng có sai khác đáng kể, biến thiên từ 2,92 – 3,2 kg trong đó KL củ tươi ở TV2 đạt cao nhất với 3,2 kg củ tươi/cây, tương tự đó số lượng cây thu hoạch/ha ở thời vụ 2 cũng đạt 12.065 cây có tỷ lệ thu hoạch cao nhất 96,4% so với hai thời vụ trồng còn lại. Do đó, giống sắn KM7 được trồng ở thời vụ 2 (15/1/2018) cho năng suất củ tươi cao nhất 32,46 tấn/ha và khác biệt có ý nghĩa thống kê ở mức 95% so với thời vụ 3 (15/2/3018) (27,65 tấn/ha).

3.4. Ảnh hưởng của thời vụ trồng đến hệ số nhân giống sắn KM7

Bảng 5. Ảnh hưởng của thời vụ trồng đến hệ số nhân giống sắn KM7

Thời vụ trồng Số lượng Hệ số hom giống
Tỉ lệ 2 thân/khóm(%) Số lượng hom/thân(hom) Số lượng hom thu được(hom/ha) Hệ sốnhân hom(lần)
TV1 1,15 12 157.830 12,6
TV2 1,30 12 188.214 15,0
TV3 1,22 11 144.010 11,5

Kết quả trên bảng 5 cho nhận xét, giống KM7 trồng tại thời vụ 2 (15/1/2018) có số lượng hom giống thu được cao nhất là 188.214 hom/ha đạt hệ sốnhân giống cao gấp 15 lần trong khi đó tại thời vụ 1 (15/12/2017) và thời vụ 3 (15/2/2018) hệ số nhân giống chỉ đạt lần lượt 12,6 lần và 11,5 lần thấp hơn thời vụ 2 từ 2,4 – 3,5 lần. So với hai thời vụ trồng còn lại ở thí nghiệm trên, thời vụ 2 (15/1/2018) cho tỷ lệ 2 thân/khóm cao nhất đạt 1,3% kèm theo đó là số lượng hom/thân của giống KM7 trong thời vụ này cũng khá cao với 12 hom/thân. Như vậy, giống sắn KM7 gieo trồng trên địa bàn huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định tại thời điểm ngày 15/1 cho số lượng hom giống và hệ sốnhân giống khá cao.

  1. KẾT LUẬN VÀ ĐỀNGHỊ

4.1. Kết luận

Thời vụ trồng giống sắn KM7 ngày 15/01 (Thời vụ 2) thích hợp nhất với địa bàn tỉnh Bình Định, cho năng suất khá cao đạt 32,46 tấn/ha,hệ số nhân giống trồng trong thời gian này đạt 15 lần.

4.2. Đề nghị

Đề nghị có thể áp dụng thời vụ trồng sắn chính vụ trong tháng 01 tại các tỉnh DHNTB có điều kiện tương tự như giống sắn KM7.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2010.QCVN 01-38:2010/BNNPTNT. Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Phương pháp điều tra phát hiện sinh vật hại.

Bộ Nông nghiệp và PTNT, 2011. QCVN 01-61:2011/BNNPTNT. Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giá trị canh tác và giá trị sử dụng của giống sắn.

Cục Trồng trọt, 2018. Báo cáo Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, Mùa năm 2018; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018-2019 vùng DHNTB và Tây Nguyên.Trong Kỷ yếu Hội nghịSơ kết sản xuất trồng trọt vụ Hè Thu, Mùa năm 2018; triển khai kế hoạch sản xuất vụ Đông Xuân năm 2018-2019 vùng DHNTB và Tây Nguyên.TP. Hồ Chí Minh, ngày 27/9/2018.

Nguyễn Thanh Phương, 2018. Ảnh hưởng của thời vụ trồng sắn tới khả năng sinh trưởng, phát triển, năng suất và hàm lượng tinh bột của giống sắn KM98-7 ở tỉnh Đắk Nông. Tạp chí NN và PTNT (ISSN-1859-4581), số 3+4/2018: 102-107.

Trạm Khí tượng Nông nghiệp An Nhơn Bình Định, 2018. Bảng số liệu khí tượng năm 2018.

Effect of planting time on yield and propagation ability of KM7 cassava variety in Binh Dinh province

Nguyen Thanh Phuong, Ho Si Cong,

Nguyen Tran Thuy Tien, Nguyen Hoa Han

Abstract

The study on planting time aims to identify the cassava planting interval time with high yield, high multiplication coefficientfor next planting season in Binh Dinh province. 3 cassava cropping seasons were conducted: Season 1 (TV1) (15/12/2017); Season 2 (TV2) (15/1/2018); Season 3 (TV3) (15/2/2018). The experiments were carried out in 2018 at My Hiep ward, Phu My district, Binh Dinh province. The cassava cropping season in 15/1 was suitable for Binh Dinh province, in which the yield was high and stable, at 32,46 tonnes/ha and multiplication coefficient of cuttings reached 15 times.

Keywords: KM7 cassava variety, planting time, yield, propagation ability, Phu My district, Binh Dinh province

Ngày nhận bài: 16/5/2019

Ngày phản biện: 27/5/2019

Người phản biện: TS. Nguyễn Hữu Hỷ

Ngày duyệt đăng: 14/6/2019

 

1 Agricultural Science Institute For Southern Coastal Central of Vietnam

 

Tên tác giả: Nguyễn Thanh Phương, Nguyễn Trần Thủy Tiên và ctv

Địa chỉ: Viện KHKT Nông nghiệp DHNTB

Email: ntthuytien1105@gmail.com , ntphuongvntb@gmail.com;

ĐT: 0913483646 (Phương); 0984754565 (Tiên)

 

 

BÀI VIẾT QUA CÁC NĂM